I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, DÂN CƯ, LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Vị trí địa lý:

Bum Nưa là một xã vùng thấp của huyện Mường Tè, cách trung tâm huyện lỵ 3km, nằm ở phía Đông của huyện; xã có tổng diện tích tự nhiên 7.375,04 ha; có vị trí địa lý như sau:

- Phía Đông giáp xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn;

- Phía Tây giáp xã Bum Tở và thị trấn Mường Tè;

- Phía Bắc giáp xã Pa Vệ Sủ;

- Phía Nam giáp xã Vàng San.

Hình 01: Sơ đồ vị trí xã Bum Nưa trong huyện Mường Tè

 

2. Dân số, lao động

Bum Nưa có 820 hộ, 3.957 nhân khẩu trong đó có 1.938 khẩu là nữ. Gồm 3 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Mảng, Kinh; dân tộc Thái chiếm 91%, dân tộc Mảng chiếm 4,5 %, dân tộc Kinh chiếm 4,5 %. Số hộ nông nghiệp là 598 hộ, tổng số lao động trong toàn xã là 2.862 người chiếm 72,3% tổng số dân của xã trong đó làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp là 1.287 người chiếm 44,9 % trong tổng số lao động.

3. Lịch sử hình thành và phát triển

Bum Nưa trước đây thuộc vùng Mường Bum, được ví như chiếc mâm cơm, là vùng đất trù phú ở huyện Mường Tè. Theo các tài liệu lưu trữ về địa dư các địa phương thuộc Bắc Kỳ, đầu thế kỷ XX, địa bàn Bum Nưa nằm trong Mường Bum, thuộc Đồn Mường Bum (tiếng pháp là Mường Boum), Châu Quỳnh Nhai, tỉnh Lai Châu. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 02 tháng 9 năm 1945, Bum Nưa thuộc Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Hòa bình lập lại (năm 1945), huyện Mường Tè tổ chức điều chỉnh địa giới hành chính, toàn huyện chia thành 17 xã. Vùng Mường Bum xưa kia chia thành 5 xã, trong đó có xã Bum Nưa.

Ngày 28 tháng 9 năm 1945, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về thành lập Khu tự trị Thái – Mèo. Ngày 29 tháng 4 năm 1955, chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 320-SL thành lập Khu tự trị Thái –Mèo. Ngày 07 tháng 5 năm 1955, khu tự trị Thái – Mèo được thành lập và chính thức ra mắt. Huyện Mường Tè trực thuộc tỉnh Lai châu đổi thành châu Mường Tè trực thuộc khu tự trị Thái – Mèo. Lúc này xã Bum Nưa thuộc châu Mường Tè, gồm các bản: Bản bum, Nà Hừ, Nà Phày, Vàng San, Pắc Pạ, Sang xui, Huổi Cuổng, Đán Đón, Nậm Suổng, Nậm Sẻ, Nậm Củm. Năm 1982, thành lập bản Phiêng Kham. Năm 2002 và 2003, bản Nà Hẻ và Nà lang lần lượt được thành lập trên cơ sở tách từ Bản Bum. Năm 2004, chia tách bản Nà Hừ thành Nà Hừ 1 và Nà Hừ 2. Như vậy xã Bum Nưa có 15 bản.

Thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-CP, ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ “ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các xã để thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Than Uyên, tỉnh Lai Châu”, một phần dân số, diện tích xã Bum Nưa được chia tách ra thành lập xã vàng San. Tám bản là Nà phầy, Vàng San, Pắc Pạ, Sang Xui, Huổi Cuổng, Đán Đón, Nậm Suổng, Nậm Sẻ chuyển về xã Vàng San. Xã Bum Nưa còn lại 7 bản: Bản Bum, Nà Hừ 1, Nà Hừ 2, Phiêng Kham, Nậm Cùm, Nà Lang và Nà Hẻ.

Từ khi huyện Mường Tè được giải phóng (ngày 20 tháng 12 năm 1953) cuộc sống nhân dân các dân tộc đã bước sang trang mới. đồng bào có nhiều điều kiện dồn sức lao động sản xuất. Kinh tế ngày càng phát triển, các mô hình sản xuất mới đang mang lại hiệu quả thiết thực. trong những năm gần đây thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, cuộc sống nhân dân cải thiện đáng kể. Đến ngày 17/ 01/ 2017 xã Bum Nưa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Đặc điểm địa hình

Là xã miền núi nên Bum Nưa có địa hình tương đối phức tạp, đồi núi cao, vực sâu chia cắt. Bum Nưa có 3 ngọn núi cao (Pu Chi Út, Pu Chiêng Chen, Pu Chi Luống) Pu Chi Út có độ cao 510 m nằm ở phía Đông Bắc của xã, giáp xã Pa Về Sủ, thuộc các bản Bản Bum, Bản Nà Lang, Bản Nà Hẻ, Bản Nậm Củm; Pu Luống( núi Rồng) cao 760m Pu Chiêng Chen cao  880m, nằm ở phía Tây của xã Bum Nưa,giáp xã Bum Tở, điểm cuối của ngọn núi này chính là đồn Mường Bum.

2. Đặc điểm khí hậu Khí hậu

Xã Bum Nưa mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ít chịu ảnh hưởng của bão, thời tiết quanh năm chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa trung bình cả năm là 2.531mm. Mưa nhiều thường xuyên gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở, gây xói mòn đất đá và đường xá, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

3. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên

* Tài Nguyên nước:
 Trên địa bàn xã có 3 con suối chính chảy qua theo hướng Đông - Tây, hợp thành hệ thống suối Nậm Bum, đó là: suối Nậm Sì Lường, bắt nguồn từ xã Pa Vệ Sủ chảy qua bản Nận Củm, bản Nà Lang Và bản Bum với đoạn dài 9km; suối Nậm Bum bắt nguồn từ bản Pa Cheo xã Hua Bum chảy qua bản Phiêng Kham, Nà Hừ 1, Nà Hừ 2, Nà Hẻ, bản Bum với 12km và suối Nậm Nhọ bắt nguồn từ xã Hua Bum chảy qua xã Vàng San về  Bum Nưa. Hệ thống suối dày đặc có giá trị lớn về thủy điện và phục vụ sản xuất nông nghiệp, hoạt động đánh bắt và nuôi thủy sản. Ngoài ra, trên địa bàn xã có  nhiều khe nhỏ chảy ra hợp với hệ thống suối Nậm Bum. Nhìn chung, nguồn nước ở xã Bum Nưa dồi dào, song vào mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ lụt, gây ách tắc giao thông và thiệt hại về mùa màng.
* Tài nguyên rừng: Huyện Mường Tè có tổng diện tích rừng . Năm 2020 diện tích rừng của huyện có khoảng 175.768 ha, phân bố ở tất cả các xã trong huyện. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện Mường Tè, đạt 65,06% lớn nhất của tỉnh. Tổng diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2020: 172.348,74 ha. Rừng Mường Tè có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, với nhiều loại gỗ quý như: giổi, lát, gù hương,, nhiều sản vật rừng nổi tiếng như: mật ong rừng, tam thất, nấm hương, thảo quả....; các cánh rừng của huyện có thảm thực vật giàu tính sinh học, một số cánh rừng phân bố ở độ cao trên 1.500m, phát hiện một số cây dược liệu quý, như: Sâm Lai Châu, Chè cổ Ka Lăng, Chè rừng (cây Sói rừng), Bảy lá một hoa,…. phát triển dưới tán rừng nguyên sinh. Việc quan tâm bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần đem lại thu nhập cao, bền vững cho người dân, phát triển kinh tế của huyện, đồng thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai bão lũ.

4. Văn hóa, du lịch, tiềm  năng phát triển

 Bum Nưa là địa bàn có đông người Thái cư trú. Ngoài ra đây còn là bộ phận dân cư đến sinh sống đầu tiên, mở đất lập bản. Vì vậy, văn hóa của người thái là nền văn hóa chủ đạo của vùng đất này. Người Thái có câu “ Thái ăn theo nước”, phản ánh những nét văn hóa đặc trưng nhất về tập quán cư trú, sản xuất và sinh hoạt của đồng bào. Một trong những tiêu chí quan trọng đầu tiên khi chọn đất dựng nhà, lập bản của người thái là phải có nguồn nước hoặc gần nguồn nước, thuận tiện cho việc đắp mương phai dẫn nước vào đồng ruộng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày

*  Về nhà ở

Nhà sàn – nơi sinh hoạt linh thiêng của đồng bào dân tộc Thái tuy đơn giản nhưng mang một nét đẹp riêng. Việc xây dựng nhà sàn đều dùng vật liệu có sẵn trong tự nhiên như gỗ, tre,vầu. Người Thái có kinh nghiệm làm nghề mộc nên dùng lạt tre, giang , mây để cố định các chỗ nối, chỗ ghép hay dùng những đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ đục của các cột để kết nối các kèo cột. Do có sự cân đối, tính toán nên dù có vẻ thô sơ nhưng các ngôi nhà sàn đều rất chắc chắn, có thể chống chọi với mưa gió và tồn tại qua nhiều đời.Trong quan niệm của người Thái, số chẵn tượng trưng cho sự tĩnh tai, số lẻ tượng trưng cho sự vận động, phát triển nên đồng bào thường chọn số lẻ với mong muốn cuộc sống có nhiều điều may mắn, tốt đẹp. Số gian trong nhà, số bậc thang, số cửa sor, số đòn tay trên mái nhà… đều là số lẻ. Mỗi ngôi nhà có 2 cầu thang: cầu thang chính phía đầu nhà dành cho nam giới hay những bậc cao tuổi, cầu thang phụ giành cho phụ nữ để đảm nhiệm việc nội trợ. Thiết kế mái rất độc đáo, nhìn từ trên cao xuống có hình dáng giống mai con rùa. Trong ngôi nhà người thái các vị trí có sự quy định rõ ràng. Giữa 2 hàng cột chính chạy song song trong nhà là khoảng không gian rộng dành cho sinh hoạt chung, phòng ngủ của cá thành viên được ngăn bằng ri đô và  sắp xếp theo thứ tự từ phải qua trái tương ứng với thứ bậc vai vế trong gia đình . Khu gầm sàn trước đây dùng nhốt gia súc, gia cầm hiện nay thường để thóc, lúa, nông sản; cất giữ phương tiện đi lại hay để khung cửi dệt vải… Ngày nay, cùng sự phát triển và tiến bộ chung của xã hội, nhiều hộ hgia đình người Thái ở Bum Nư đã có điều kiện xây nhà sàn theo hình mẫu nhà sàn truyền thống bằng bê tông cốt thép, tường gạch thay ván thưng, mái ngói hoặc mái tôn rất kiên cố và khang trang.

Nhà ở của người mảng cũng như người thái nhưng đơn giản hơn. Mặc dù vậy, các nghi thức trong việc làm nhà được đồng bào rất coi trọng. Từ khâu chọn đất san nền dựng cột cho đến lợp đều phải nhờ thầy bói xem ngày giờ mới tiến hành dựng nhà. Lễ vaofg nhà mới gồm nhiều nghi lễ phức tạp thể hiện đặc trưng tộc người.

* Vài nét về ẩm thực

Văn hóa ẩm thực của các dân tộc cũng rất đặc sắc những món ăn truyền thống của vùng đất Bum Nưa có thể kể đến như: Cá nướng (Pa pỉnh tộp), Cá sấy ( pa giảng), cá chua (Pa bong), gỏi cá ( pa cỏi), lạp thịt; những món ăn chế biến có hương liệu từ lá và quả chua trong rùng như lá vón vén(xủm lúm), món canh quả sổ (canh má sản) hoặc mầm lá me non (nhọt kham), cơm lam, bánh gù, bánh dày (khẩu piếng). Mỗi món ăn đều có hương vị riêng song không thiếu được vị cay của ớt, thơm nổng của má khén (hạt tiêu rừng), sả, gừng…Đặc biệt trên mâm cúng cổ truyền của người thái, bao giờ cũng có món xôi nếp và món cá nướng - là cách bà con “trả ơn” những thửa ruộng vừa cấy lúa vừa thả cá giúp cuộc sống gia đình được ổn định hơn. Những món ăn đã thể hiện những nét đặc trưng của vùng Tây Bắc và sự khéo léo của người phụ nữ nơi đây.

* Về trang phục

- Người thái: Với những chất liệu từ tự nhiên, qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ  Thái, nhưng bộ trang phục độc đáo đã ra đời, đặc sắc là áo cóm. Trước đây áo cóm thường làm từ vải chàm, vải láng , dài tay, ngày nay áo có nhiều màu sắc rực rỡ với nhiều loại hoa văn, trong đó màu trắng là màu được lựa chọn nhiều nhất. Một điểm nổi bật nhất trên chiếc áo là hàng cúc hình con bướm  (Pá Pém), không chỉ dành trang trí cho áo thêm đẹp mà con mang ý nghĩa nhân sinh. Hai hàng cúc bướm một bên là hàng bướm đực một bên là hàng bướm cái ( tô po và to me). Cúc cài mau hay thưa, số lượng cúc trên áo tùy thuộc vào người mặc ( con gái chưa chồng sẽ được đính số cúc lẻ, sau khi lấy chồng sẽ đính số chẵn). Trước khi về nhà chồng bố mẹ làm cho con gái 1 bộ cúc bạc đơm vào áo làm của hổi môn. Sau này, khi già và mất đi nhất định cũng phải mặc áo cóm để về với tổ tiên, để tổ tiên nhận ra. Đi cùng với chiếc áo cóm không thể thiếu chiếc váy thái bằng vải đen. Váy dài từ eo xuống gót chân, ngày xưa chị em dùng vải đỏ làm nẹp chan váy, cạp váy dùng vải cứng hơn cho dễ gập. Dây thắt lưng ( sai eo) trước đây được nhuộm xanh dùng cho giới trẻ, tím cho người có tuổi; ngày nay dùng vải nhung đen tuyền hoặc nhung có thêu hoa văn. Trang phục váy áo cóm là lựa chọn để tôn vẻ đẹp của người phụ nữ dân tộc Thái, được chị em mực khi lên nương, đi cấy, đi chợ, dự hội của bản mường, ngày lễ tết hoặc để các cô gái mặc trong ngày về nhà chồng.

Hình ảnh người phụ nữ thái khoác lên mình bộ trang dân tộc

 

- Người Mảng: Mặc dù đời sống ngày càng hiện đại, lại có sự giao lưu văn hóa với các dân tộc trên địa bàn xã nhưng trang phục truyền thống của người Mảng vẫn được giữu gìn. Nét độc đáo trong trang phục của phụ nữ Mảng là tấm choàng qấn quanh thân được cắt may bằng vải thô màu trắng, ở giữu thêu hàng chỉ đỏ, chân quấn xà cạp. phụ nữ mảng thường để đầu trần, tóc buộc chỏm trên đầu bằng dây có tua khá đẹp.